Hội tụ nhiều yếu tố quyết định, Đà Nẵng được kỳ vọng quay lại vị thế “anh cả” thị trường nghỉ dưỡng, cùng sự tái sinh của loại hình condotel (căn hộ du lịch) trong kỷ nguyên phát triển mới của bất động sản.
Đóng vai trò then chốt là thành phố lớn thứ tư của Việt Nam, Đà Nẵng là đô thị có sự kết hợp tinh tế giữa nét quyến rũ của tự nhiên, thanh bình với sự năng động, thịnh vượng. Theo giới chuyên gia địa ốc, đây cũng là một trường hợp hiếm có của thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam khi sở hữu bản sắc kép độc đáo mà không phải địa phương nào cũng có được.
Nội lực đô thị “2 trong 1”
Khía cạnh đầu tiên làm nên nội lực Đà Nẵng chính là sức hấp dẫn của một thủ phủ du lịch cao cấp, hình thành bởi hệ sinh thái ven biển đặc sắc, gắn liền với giá trị văn hóa bản địa. Phẩm chất riêng biệt này cũng giúp Đà Nẵng trở thành một trong số ít điểm đến thu hút khách trong và ngoài nước xuyên suốt thời gian, không chỉ cuối tuần. Trong quý I/2024, đã có gần 2 triệu lượt du khách đến Đà Nẵng giúp doanh thu lưu trú, ăn uống ước đạt 6.400 tỷ đồng, tăng 19,8%; du lịch lữ hành ước đạt 1.200 tỷ đồng, tăng 68,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bệ đỡ thứ hai là mới đây, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Đà Nẵng. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Tại cuộc họp ngày 25/8, UBND Tp.Đà Nẵng cho biết vào ngày 31/8 TP sẽ tổ chức hội nghị triển khai nghị quyết số 136 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu trung ương, địa phương, các cơ quan ngoại giao, doanh nghiệp…
Trong đó, danh mục đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc khu thương mại tự do Đà Nẵng; đầu tư xây dựng và kinh doanh du lịch đường thủy nội địa có quy mô vốn đầu tư từ 8.000 tỉ đồng trở lên; đầu tư xây dựng dự án tổng thể bến cảng biển Liên Chiểu có quy mô vốn đầu tư từ 45.000 tỉ đồng trở lên…là những điểm trọng tâm.
Tuy vậy, xét ở góc độ bất động sản nghỉ dưỡng, Đà Nẵng cần thêm thời gian để lấy lại nội lực đi lên. Mặc dù ngành du lịch Đà Nẵng đang ghi nhận tín hiệu khởi sắc, song việc nhiều dự án vướng sai phạm, thi công chậm tiến độ, niềm tin của nhà đầu tư bị “bào mòn” sau vụ cam kết của CocoBay… đã ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường suốt thời gian qua.
Nhìn về dài hạn, bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng có tiềm năng phát triển nhưng trong ngắn hạn, nơi đây khó có điểm đột phá về sức cầu. Trong hành trình của thị trường bất động sản, phân khúc nghỉ dưỡng vẫn phải “lấy sức” nhiều hơn để có thể bắt kịp với đường đua ở chu kì mới.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn là đầu tàu kinh tế miền Trung, với định hướng trở thành “thung lũng Silicon châu Á”, thành phố thông minh với thế mạnh công nghệ – công nghiệp. Cơ chế đặc thù cùng chủ trương thí điểm khu thương mại tự do cũng là ưu tiên đặc biệt của Trung ương đối với Đà Nẵng, được kỳ vọng là cú hích cho nền kinh tế sở tại.
Mới đây, tại tọa đàm “Đà Nẵng – Khai phóng tiềm năng, nâng tầm quốc tế” do Bất động sản Bản Việt – VCRE, Nobu Danang và CBRE đồng tổ chức ở Hà Nội, ông Trịnh Tuấn Bảo, đại diện Sở Du lịch TP Đà Nẵng chia sẻ, ngoài việc tập trung vào các nguồn lực con người, đất đai và hạ tầng đô thị, môi trường kinh doanh cũng là động lực chủ yếu để nâng tầm vị thế thành phố, ở cấp quốc gia và quốc tế.
Với những chỉ dấu tích cực, BĐS Đà Nẵng được kỳ vọng phục hồi. Giới chuyên gia cho rằng, mọi chú ý đều đang đổ dồn về cơ hội quý báu mà Đà Nẵng được trao, đồng nghĩa với kỳ vọng trở lại vị thế tiên phong ở thị trường nghỉ dưỡng. Việc 3 bộ luật quan trọng liên quan đến đất đai, kinh doanh chính thức có hiệu lực từ 1/8/2024 cũng là lực đẩy mạnh mẽ, để Đà Nẵng chiếm lợi thế cạnh tranh, kể cả với những thị trường trọng điểm như Hà Nội hay TPHCM.
Kỳ vọng sự trở lại của condotel tại Đà Nẵng
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực tại hội thảo, mặt thay đổi tích cực nhất của thị trường là những cải thiện pháp lý, cấp giấy chứng nhận thông qua các hướng dẫn chi tiết, rõ ràng, minh bạch. Cụ thể, nghị định số 10 năm 2023 của Chính phủ đã cho phép cấp sổ hồng đối với các loại hình căn hộ du lịch (condotel), officetel, biệt thự du lịch… hình thành trên đất thương mại, dịch vụ. Và theo đó, condotel cũng được kỳ vọng mở ra chương phát triển mới, với tư cách một sản phẩm đáng đầu tư tại một thành phố đáng sống bậc nhất khu vực.
Hiện tại, “có hay không tầm nhìn dài hạn cho condotel” là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra. Nhiều đơn vị phát triển tin tưởng rằng, một khi chốt chặn pháp lý cuối cùng về việc chứng nhận sở hữu được hợp thức hóa thì condotel không chỉ thỏa mãn nhu cầu tận hưởng cuộc sống của chính khách hàng, mà còn thu nguồn lợi ổn định từ nhu cầu nghỉ dưỡng của số đông.
Đà Nẵng tiếp tục là “bãi đáp” của nhiều thương hiệu vận hành danh tiếng trên thế giới
Đại diện VCRE, đơn vị đang hợp tác cùng thương hiệu Nobu Hospitality cho dự án BĐS hàng hiệu ngay mặt tiền biển Mỹ Khê cho rằng, sản phẩm condotel khẳng định giá trị khi trở thành giải pháp đầu tư đặt trong một quần thể trải nghiệm, tích hợp tiện ích, đa chức năng, nâng tầm trải nghiệm.
Vị này cũng chỉ ra, số lượng giới hạn cũng là một lời giải của chủ đầu tư cho bài toán khai thác dòng lợi nhuận, khả năng gia tăng và giữ vững giá trị trong trung và dài hạn. Bởi thực tế, nếu số lượng căn hộ quá lớn, không chỉ công suất cho thuê mà lãi vốn, tính thanh khoản đều gặp khó khăn.
Giới chuyên gia cũng dự đoán, tiềm năng du lịch trong tương lai tại Đà Nẵng và lộ trình hoàn thiện khung pháp lý sẽ giúp condotel bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Theo TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), giá trị BĐS Đà Nẵng khá ổn định trong khoảng 3-4 năm trở lại đây. Với điều kiện lý tưởng, sự cộng hưởng của cơ chế đặc thù, quy hoạch đô thị bên cạnh kích cầu du lịch bài bản, trong tương lai gần, BĐS Đà Nẵng sẽ có giá trị cao hơn hẳn chứ không chỉ nằm ở ngưỡng hiện tại.